CÂU LẠC BỘ NHÀ BÁO TỰ DO

Tôn trọng và bảo vệ sự thật

THỬ LÝ GIẢI

 

Lê Hoàng, blog Nguyễn Xuân DiệnTôi là người xưa nay vốn dĩ ghét chính trị, sợ chính trị. Tôi chỉ muốn yên ổn làm ăn một cách đàng hoàng, trước là làm giàu cho mình, cho gia đình vợ con mình sung sướng. Sau là đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội theo tiêu chí “Dân giàu, Nước mạnh”.

Năm nay tôi trên 40 tuổi, chưa đủ để gọi là hiểu biết cuộc đời nhưng chí ít tôi cũng đã từng trải qua việc đi sơ tán thời Mỹ leo thang ném bom miền Bắc Xã hội chủ nghĩa năm 1972. Từng phải xếp hàng  rồng rắn mua gạo mua rau thời bao cấp, từng trải qua không khí chiến tranh biên giới phía Bắc, rồi biên giới Tây Nam những năm 79-80. Chưa đủ lớn nhưng dù gì những thời kỳ đó ít nhiều để lại trong tôi những ký ức sâu đậm về một thời.

Sở dĩ tôi viết bài này, cũng là lần đầu tiên tôi viết gửi anh Nguyễn Xuân Diện, một người mà tôi rất kính trọng và khâm phục để nhờ anh nếu có thể thì cho đăng trên blog của anh.  Thực ra lâu nay tôi vẫn là một độc giả trung thành của Blogger Nguyễn Xuân Diện và tôi vẫn comment dưới tên “Một người Hà Nội”. Nhưng hôm nay tôi muốn có tiếng nói của riêng mình và tôi tin dưới một khía cạnh nào đó, có thể là tâm tư của rất nhiều người “bình thường” như tôi.

Chính các cuộc biểu tình chống TQ những tháng vừa qua đã gây cho tôi ấn tượng rất mạnh và có thể nói thay đổi rất nhiều tư tưởng của tôi. Những nhân sĩ trí thức như bác Quang A, bác Nguyên Ngọc, Bác Huệ Chi, anh Xuân Diện…là những người trực tiếp xuống đường biểu tình. Một số văn nghệ sĩ khác ủng hộ theo những hình thức khác nhau như chị Hồng Ngát, anh Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Trọng Tạo, KTS Trần Thanh Vân, một đồng nghiệp lớn tuổi mà tôi chưa may mắn được quen biết…vv.

Trở lại với việc biểu tình, vốn là một sự rất tự nhiên và rất dễ hiểu trước hành động xâm lấn của một nước khác đối với chủ quyền của Việt Nam. Điều tôi không hiểu và rất lo sợ, chính xác tôi muốn dùng chữ “Lo sợ” là thái độ của chính quyền đối với việc này. Đầu tiên là việc lúng túng trong cách xử lý vấn đề, sau đó là các việc bắt bớ, đàn áp người biểu tình. Việc này các trạng mạng và các blogger đã phân tích nhiều tôi không muốn lạm bàn thêm. Tôi chỉ muốn cố hiểu khi đặt câu hỏi “Vì sao”. Vì sao mà chính quyền lại có những hành động mà tôi không hiểu được?

Tôi và rất nhiều người khác một thời đều được học dưới cái gọi là mái trường XHCN. Một thời chúng tôi rất tin, có thể nói tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và sự trong sạch của những người có vị trí cao và rất cao trong Đảng cũng như chính quyền. Nói thực lòng thì bây giờ tôi vẫn muốn có lòng tin đó…

Việc TQ xâm lấn đe nẹt nước ta là cái việc xưa như lịch sử anh hùng của dân tộc Việt. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, học lớp 3,4 gì đó cô giáo chủ nhiệm tôi có nói, đại ý dân tộc chúng ta đã bị đồng hoá gần hết. Như cô và các em đều là người gốc tàu??? Bằng chứng là tộc người Giao Chỉ, tức là thuần Việt thì các ngón chân cái đều quặp xuống đất chứ không vểnh lên. Rồi cô còn nói thêm là may ra chỉ còn sót lại rất ít người già có ngón chân cái quặp xuống. Tất cả chúng tôi không ai bảo ai đều nhìn xuống ngón chân cái của mình. Không hiểu cô giáo lấy tư liệu đó từ đâu ra hay nghe ai nói và độ tin cậy đến đâu, nhưng từ đó chúng tôi quên bẵng viêc này.

Lại nhớ năm 1979, chúng tôi còn đang là học sinh cấp 1. Hồi đó không khí chiến tranh ở HN ghê lắm. Khắp nơi đều đào giao thông hào và hầm trú ẩn. Học sinh chúng tôi còn quá bé nên chưa hiểu sự tàn khốc của chiến tranh, thậm chí còn háo hức khi nghe bạn bè kháo nhau “Sắp được đi sơ tán rồi đấy”!!!

Chúng tôi chỉ có chút lo sợ mơ hồ khi xem ti vi, thấy đưa hình ảnh người anh hùng Lê Đình Chinh được khiêng bằng chiếc cáng. Anh bị quân TQ chém bằng dao quắm gần đứt lìa cổ. Rồi đài loa phường phát đi phát lại bài “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới….quân xâm lược bành trướng dã man, đã giày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương….”

Ôn lại để thấy rằng, thời điểm đó toàn quân, toàn dân, toàn đảng đều một lòng căm thù quân xâm lược và quyết tâm bảo vệ biên cương đến thế nào. Dù rằng giao thông hào, hầm trú ẩn trong chiến tranh chống Mỹ chưa kịp lấp hết thì đã lại đào lên để chống giặc tàu.

Vậy thì, so sánh những việc của một thời chưa quá xa với việc ngày hôm nay. Dẫu rằng hoàn cảnh có khác nhau, “phe XHCN” đã không còn tồn tại, kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc của dân tộc Việt lại nhăm nhe xâm lấn với sự tiếp tay dù vô tình hay hữu ý của thứ giặc nội xâm (tham nhũng) và sự xuống cấp đạo đức xã hội chưa từng có trong xã hội Việt Nam. Tôi nói chưa từng có khi chỉ cần so sánh với thời gian tôi biết đọc biết viết và có chút ít nhận thức về môi trường xã hội xung quanh. Thời gian đó hình tượng người bác sĩ, thày giáo, chiến sĩ công an, chiến sĩ quân đội v.v… so với ngày nay thế nào? Tình làng nghĩa xóm, tình bạn bè, tình tương thân tương ái so với ngày nay thế nào?

Không khó để trả lời những câu hỏi trên.

Vậy tại sao chính quyền lại hành xử như thời gian qua?

Lục lại ký ức và vận dụng những kiến thức của mình về xã hội, chính trị…với nền tảng văn hóa của một trí thức được đào tạo chính quy, tự nhận là rất chịu khó đọc sách báo tiếp thu kiến thức tôi vẫn không tài nào hiểu nổi. Hay các chính sách chính trị nó ở tầm vĩ mô quá mà một người có trình độ và tuổi đời không còn trẻ lắm như tôi cũng chưa thể nào hiểu được ?

Trong tôi, chỉ còn một nỗi lo sợ , rất lo sợ đang lớn dần….

Filed under: Chính Trị-Xã Hội,

3 Responses

  1. Hữu Thiện says:

    Đây lại thêm một điều khó lý giải. Ai có trách nhiệm làm cho bọn trẻ đừng quên mà hãy nhớ lại hát đúng như bài hát ngày xưa. Các anh bộ đội, các cựu chiến binh hãy cất tiếng hát đúng :”Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình, vì Tổ quốc…” để cho bọn trẻ hát theo và phải bằng chính hành động của mình để bọn trẻ lại cất vang tiếng hát theo đúng giai điệu cũ, chứ nay đang có tình trạng lạc điệu có thể còn lạc lối đấy các đồng chí ạ.

  2. Hữu Thiện says:

    Dân mình có cái tài nhanh nhạy sửa đổi trong khi đó các quan mình thì lại có sức ì ghê gớm. Trước kia có bài hát của các anh bộ đội cụ Hồ là “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình. Vì Tổ quốc…” nay trên đài phát thanh hay trên ti vi và trong các sinh hoạt vưn hoá nghệ thuật của quân đội có truyền hình thì không thấy xuất hiện bài hát này nữa. Thế mà mới đây bọn trẻ đã sửa đổi bài hát này cho thích hợp với tình hình thời sự, đó là :”Vì Trung hoa quên mình, vì Trung hoa hy sinh, anh em ơi vì Trung hoa quên mình. Vì thằng Tẫu nó kia…” Các anh bộ đội cả quân và tướng nghe có tức không? Có muốn vặn cổ mấy thằng nhóc hát bậy hát bạ không? Hỏi chúng thì chúng bảo chúng hát đúng đấy chứ. Trong lúc người lớn bận túi bụi việc này việc nọ thì bọn nhóc lại có thời gian nghĩ ra cái trò diễu cợt nhưng đầy ý nghĩa. Đây cũng là thứ tự phát nhưng sao mà bọn trẻ lại nhậy cảm hơn cả người lớn đến thế? Trước đây chúng hát “chú bộ đội bắn Mỹ tài ghê ..” thì nay chúng cứ hát “Vì Trung hoa quên mình…” bắt bẻ nó thì nó lại bảo chính là nó quên mình chứ nó có nói bộ đội quên mình đâu mà mắng nó. Nó lại còn bảo: thôi ông đừng bực mình nữa, hãy quên mình đi mà sống cho qua ngày. Quên mình là quên đất nước mình mà “Vì Trung hoa quên mình” rồi không dám nói với ai. Cứ quên đi cho đến hết nhiệm kỳ.

  3. Đào Trọng says:

    Cái lo và cái sợ của đạo diễn Lê Hoàng cũng giống như cái lo và cái sợ của hàng chục triệu người dân Việt Nam. Cũng có rất nhiều người cố lý giải về tình hình hiện nay, nhưng không ai lý giải nổi, mặc dù trình độ văn hoá và dân trí của ta tiến hơn trước nhiều. Người ta cứ thắc mắc, người nọ hỏi người kia: tại sao trước kia ta đánh Mỹ thì hăng hái như vậy mà Mỹ có đem quân ra cướp miền Bắc đâu, ta đem quân vào đánh miền Nam đấy chứ, “Đánh cho Mỹ cút ,đánh cho nguỵ nhào”. Vậy mà nay TQ chủ động gây hấn, đã có biểu hiện xâm lấn nước ta, vậy mà TQ chưa đánh ta đã sợ. Ta sợ Tàu thì ít, ta sợ ta thì nhiều. Một điều rất khó hiểu là chính quyền ta (do các nhà lãnh đạo chỉ đạo) lại không đánh giặc mà đánh dân? Sao thế nhỉ? Chẳng thấy vị tai to mặt bự nào lên tiếng trả lời. Có trả lời thì lại gọi riêng mấy ông trí thức đến nói gì đó mà không lên tivi hoặc radio nói cho toàn dân biết. Sao thế nhỉ? Dân không biết nên người đoán già, người đoán non. Có người thận trọng và phần nào đó cũng biểu hiện cái hèn, nói: nói cũng chẳng giải quyết được cái gì, chỉ tổ đau đầu, thôi thì việc mình, mình làm, các ca sĩ vẫn thi hát,các chân dài vẫn biểu diễn trên sàn, các cầu thủ vấn thi đấu bóng đá, các cô ca ve tối tối vẫn đón khách đầy rẫy trên đường mang tê thủ tướng Phạm Văn Đồng (người đã ký ngầm cái văn bản gì đó với ông Tàu hồi năm 1958) để sau này ông bạn 16 chữ vàng lấy cớ chiếm HS của nước ta. Phải nói quân đội ta nay rất hùng mạnh chứ đâu có yếu như thời đánh Mỹ vì rằng ngân sách cho quốc phòng quá lớn so với tổng thu nhập quốc dân, vậy mà sao giặc chưa đánh đã đứng nghiêm trang chào theo đúng tác phong quân đội chính quy hiện đại. Có người nói: quân đội ta kẻ thù nào cũng đánh thắng trừ TQ, chưa đánh đã chào hữu nghị tình đồng chí anh em. Thôi thì có chút tâm đắc với đạo diễn Lê Hoàng, người hay viết những tiểu phẩm hóm hỉnh ra phết, nay lại có chút suy tư cũng sâu nặng.

Leave a comment

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát

[a film by André Menras Hồ Cương Quyết] Đây là một phim tài liệu về cuộc đời hàng ngày của anh chị em ngư dân miền Trung (Bình Châu và Lý Sơn).