CÂU LẠC BỘ NHÀ BÁO TỰ DO

Tôn trọng và bảo vệ sự thật

LẠM PHÁT VN ‘TĂNG CAO NHẤT CHÂU Á’

Người bán hàng rongBBC – Lạm phát tại Việt Nam tăng tới 22.16%, là mức cao nhất trong 17 nước tại châu Á với thâm hụt mậu dịch tăng tới ngưỡng 200 triệu USD trong tháng Bảy.

Hồi tháng Sáu lạm phát tại Việt Nam tăng tới mức 20,82%, tức là chỉ số giá tiêu dùng tăng 1.17% từ tháng Sáu tới tháng Bảy.

Chỉ số chứng khoán VN giảm 16% trong năm nay với quan ngại lạm phát sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 15% xuống 14% vào ngày 4 tháng Bảy dẫn tới việc IMF nhận định bước đi này có thể làm giới đầu tư khó hiểu.

Việt Nam sẽ “rất khó” có thể kìm được mức lạm phát xuống 17% vào cuối năm 2011, Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nói tại phiên khai mạc quốc hội ở Hà Nội vào ngày 21 tháng 7.

Trong khi đó kinh tế gia Prakriti Sofat từ Barclays Capital văn phòng ở Singapore nói lạm phát có thể tăng cao tới 23% vào tháng Tám trước khi giảm xuống 18% vào cuối năm nay.

Giá thực phẩm, vận chuyển và vật liệu xây dựng góp phần làm tăng chỉ số giá tiêu dùng Ngân hàng ANZ cho biết.

Mức lạm phát tại Việt Nam trong tháng Bảy là cao nhất trong số 17 nền kinh tế châu Á mà hãng tin tài chính Bloomberg theo dõi.

‘Hơi quan ngại’

“Chúng tôi hơi quan ngại việc giảm lãi suất tái cấp vốn sẽ làm thị trường cảm thấy khó hiểu về cam kết của chính phủ trong nỗ lực bình ổn theo Nghị quyết 11,” Benedict Bingham, đại diện thường trú cao cấp của IMF tại Việt Nam, nói trong tháng này.

Trong khi đó thâm hụt mậu dịch của Việt Nam tăng từ 160 triệu USD trong tháng Sáu lên tới khoảng 200 triệu USD trong tháng Bảy.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong bảy tháng tính tới tháng Bảy năm nay, thâm hụt mậu dịch của Việt Nam là 6.64 tỷ USD.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây nói đã bổ sung 4 tỷ USD vào nguồn dự trữ ngoại hối trong nỗ lức của chính phủ nhằm trang trải thâm hụt thương mại và trả nợ.

“Ở góc độ cán cân thanh toán thì người ta nhìn vào dự trữ ngoại hối để chi trả cho nhập khẩu, và vào lúc này Việt Nam chỉ có dự trữ ngoại hồi khoảng hai tháng nhập khẩu, là mức quá thấp”, Thomas Harr, giám đốc phục trách ngoại hối châu Á của Standard Chartered Plc có trụ sở tại Singapore cho biết.

***

Chống lạm phát ở Việt Nam: vẫn trong cái vòng lẩn quẩn

Trong thời gian qua, giá cả và đặc biệt là giá thực phẩm ở Việt Nam đã tăng vọt một cách đột biến, trong bối cảnh mà Việt Nam đang cố gắng kềm chế lạm phát, nhưng vẫn chưa thóa ra khỏi cái vòng luẩn quẩn, thể hiện qua các biện pháp, lúc thì siết chặt tín dụng, lúc thì giảm lãi suất.

Tờ Thanh Niên ngày 13/7 vừa qua trích lời ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết là từ tháng 4 trở lại đây, giá thực phẩm đã tăng khoảng 40-60%. Riêng thịt heo tăng tới 70%. Giá rau xanh cũng tăng mạnh và tại Hà Nội nhiều loại rau tăng tới 100-200%.

Mức lạm phát ở Việt Nam trong tháng 6 vừa qua đã lên tới 20,82% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất từ 2008 đến nay và cũng là cao nhất châu Á. Theo thống kê mới nhất, tính đến tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng ( CPI ) đã tăng thêm 13,29% , trong khi chỉ tiêu mà chính phủ Việt Nam đề ra là kềm chế lạm phát năm nay ở mức 17% . Cứ theo đà tăng giá thực phẩm như đã nói ở trên thì Việt Nam khó mà bảo đảm được mục tiêu này, nhất là vì tình hình thị trường thế giới vẫn có nhiều biến động.

Theo ngân hàng HSBC, thực phẩm là mặt hàng chiếm tới 40% trong rổ tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam và có vai trò quan trọng trong việc tính toán lạm phát trong nước. Sự tăng giá lương thực trên thế giới vẫn chưa phản ánh đầy đủ vào giá cả ở Việt Nam. Như vậy, giá thực phẩm có nguy cơ sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới đây, gây áp lực lên đà tăng của Chỉ số giá tiêu dùng – CPI từ đây đến cuối năm.

Một nguyên nhân khác khiến giá thực phẩm tăng vọt duờng như là do việc các thương gia Trung Quốc ồ ạt thu gom nông sản ở Việt Nam với giá cao, khiến nguồn cung cho thị trường nội địa khan hiếm, nhà nông thì có lợi, nhưng nhà nghèo thì thêm khốn đốn.

Vấn đề là cho tới nay chính sách chống lạm phát của Việt Nam có vẻ không nhất quán. Theo lời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc ngày 9/6, chính phủ Việt Nam sẽ giữ nguyên chính sách thắt chặt tiền tệ, ít nhất là cho đến cuối năm nay để kềm chế lạm phát. Nhưng ngày 4/7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước lại thả lỏng phần nào chính sách tiền tệ khi, quyết định hạ lãi suất đối với các khoản vay trên thị trường mở (OMO) từ mức 15% xuống còn 14%.

Trong một bài nghiên cứu công bố ngày 8/7, một kinh tế gia của ngân hàng Thụy Sĩ Crédit Suisse, ông Santitarn Sathirathai, cho rằng “quyết định cắt giảm lãi suất là quá sớm và có nguy cơ phát một tín hiệu không rõ ràng đến thị trường”. Theo chuyên gia kinh tế này, “quyết định nói trên phản ánh xu hướng cố hữu của chính phủ là đạt mức tăng trưởng cao hơn duy trì ổn định, trong khi chính điều này đã khiến lạm phát và thâm thủng mậu dịch tăng cao”. Tác động của chính sách này sẽ được thấy rõ trên các dữ liệu về tăng trưởng và lạm phát năm tới.

Về phần mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhận định là quyết định cắt giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Trung ương của Việt Nam có thể khiến nhiều người hoài nghi về quyết tâm chống lạm phát của chính phủ. IMF quan ngại rằng, việc cắt giảm lãi suất sẽ khiến thị trường cảm thấy mập mờ về cam kết duy trì nỗ lực ổn định kinh tế của chính phủ theo Nghị quyết 11, được chính phủ thông qua vào tháng 2 nhằm đối phó với lạm phát bằng việc kiểm soát chặt chẽ các khoản vay và giảm thâm hụt ngân sách.

Giới chuyên gia Việt Nam nhận định như thế nào về tình hình lạm phát hiện nay và hiệu quả của các biện pháp kềm chế lạm phát? Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn với chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn từ Sài Gòn:

Filed under: Kinh Tế-Đời Sống,

Leave a comment

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát

[a film by André Menras Hồ Cương Quyết] Đây là một phim tài liệu về cuộc đời hàng ngày của anh chị em ngư dân miền Trung (Bình Châu và Lý Sơn).