CÂU LẠC BỘ NHÀ BÁO TỰ DO

Tôn trọng và bảo vệ sự thật

THƯ BLOGGER GỬI NHÀ BÁO

Hiệu Minh BlogNhân ngày nhà báo Việt Nam, Tổng BT Cua Times xin gửi tới các anh chị làm báo  lời chúc tốt đẹp nhất.

Tổng Cua được biết Kim Dung, Hoài Hương và rất nhiểu nick trong blog là những người làm báo chuyên nghiệp đã thăm và tham gia Cua Times. Xin cảm ơn các anh các chị vì sự đóng góp đó.

Bạn đọc hãy gửi những lời thân thiết tới những người cầm bút, mong họ luôn xứng đáng là quyền lực thứ tư.

Với tư cách là một blogger, Tổng Cua cũng gửi đôi lời tâm sự vui của một người viết nghiệp dư nhân ngày lễ trọng đại của các anh các chị cầm bút chuyên nghiệp.

Thưa các anh chị nhà báo,

Xin tự giới thiệu, tên em là Blogger, sinh vào khoảng cuối thế kỷ trước, khoảng trên 10 tuổi gì đó, bằng cu Luck đang học lớp 4. Dân dã gọi Blog (nhật ký trực tuyến) là Lốc, Bờ Lốc, Bờ Nốc để ám chỉ đám người viết nghiệp dư, nốc bia rồi bốc phét một tấc đến trời.

Viết entry này, đàn em nhớ lại thời xưa. Một cô bạn xinh hơn cả hoa hậu hoàn vũ đã khoe “Chồng em là một nhà báo” với ánh mắt tự hào vì nàng đã chọn được ý trung nhân. Quả thật người đẹp đã không nhầm.

Thưở Bloggers em chưa có trên đời này thì nhà báo các anh trong mắt người đọc là những cây viết chuyên nghiệp, pha chút lãng tử, dũng cảm và thông minh.

Thương thay, trời đã sinh ra báo lại sinh ra lốc. Internet ra đời đã thay đổi cách sống của nhân loại, trong đó có cả cách làm báo và đọc báo. Nhật ký trực tuyến với khả năng tương tác được gọi là weblog hay blog.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 200 triệu blog và số đó sẽ tăng theo cấp số nhân. Người viết blog gọi là Blogger. Bạn đọc không thạo tiếng Anh gọi tắt là Lốc dơ – để nói về đám người trông hơi bân bẩn, quần áo lôi thôi, đầu óc bù xù, vạ vật đầu đường xó chợ, viết sai chính tả và bài vở không đáng tin, Thị Nở cũng chả thèm yêu.

Đặt anh nhà báo ngồi cạnh Blogger thì nàng hoa hậu sẽ chọn nhà báo làm bồ. Blogger ngồi chầu rìa xem họ hôn nhau.

Blogger vs Newspapers. Ảnh internet.

Ở đời lại có chữ…NHƯNG to tướng. Thời đại tin học như vũ bão đã thay đổi bao định kiến, trong đó có quan niệm về báo chí và truyền thông cũng như cách người ta đọc báo và chọn lọc tin.

Sự tương tác trên mạng ảo đã giúp hàng triệu người xích lại gần nhau, cho dù ở nơi nào trên trái đất. Những cuộc cách mạng long trời với đủ loại mầu cũng bắt đầu bằng blog, twitter, facebook, kể cả tin nhắn yahoo.

Xin hỏi bạn đọc yêu quí của Hiệu Minh blog vài câu: Buổi sáng, trên đường đi làm, các bạn dừng bên lề đường để mua tờ báo, hay đợi đến văn phòng rồi vào internet để đọc tin? Vào internet rồi thì bạn chọn những tờ báo lề phải hay tìm đến những blog nổi tiếng để đọc?

Bạn đọc đã nhận ra, thế giới truyền thông đã thay đổi diện mạo. Báo chí (online và in) đang bị blog thách thức nghiêm trọng. Ngay từ năm 2008,  thống kê tìm kiếm trên Google đã chỉ ra blog đã vượt mặt các tờ báo chính thống.

Báo online đang thách thức báo in. Blog đang thách thức báo online chính thống. Còn việc Bloggers chúng em đang tìm cách tiếm ngôi các nhà báo đàn anh là có thật, khá nguy hiểm và đang là nỗi đau đầu cho các ông tổng biên tập, kể cả những tờ báo quốc tế như New York Times hay Washington Post.

Hàng tuần, người bạn thường nhận quảng cáo của tờ báo in Washington Post với giá vài chục cents/ngày có thể nhận qua bưu điện. Anh nghĩ, những tin tức quan trọng có thề đọc trên hầu hết các tờ báo online hay blog miễn phí. Dại gì mà mất tiền oan.

Ở một quốc gia tiến bộ như Hoa Kỳ mà báo in vẫn bị tin tức online, blog, facebook, twitter đe dọa, thì hỏi rằng, tại một đất nước nền báo chí chỉ nhằm tuyên truyền, ít mang tính phản biện, làm sao báo in sống được.

Trong bối cảnh nước ta, 700 tờ báo dưới sự chỉ đạo chung của một ông Tổng biên tập, rất nhiều tin quan trọng được định hướng bởi TTX.

Ngược lại, blog không bị chỉ đạo bởi bất kỳ ai. Bloggers chúng em vừa là nhà báo, nhà nhiếp ảnh, biên tập viên và kiêm luôn chức Tổng biên tập, dù trình độ đang còn nhiều vấn đề phải bàn.

Nếu mua mấy tờ báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, QĐND, An Ninh, Công An…để tìm một tin về biên giới hải đảo thì gần như 100% là giống nhau từ một nguồn. TTX bảo biểu tình là “tụ tập” thì dứt khoát phải là “tụ tập”. Mua một tờ là đủ.

Có nên bỏ tiền để đọc những tin giống nhau tới từng dấu phảy khi ngồi ở bờ Hồ nhâm nhi ly café buổi sáng, liếc tin để suy tư về số phận quốc gia? Câu trả lời là không. Báo in ngắc ngoải là phải thôi cho dù Nhà nước có cố hà hơi tiếp sức.

Trong lúc đó, blog có thể cung cấp tin nóng hổi từ đường phố, entry bình sắc sảo về thời đại, tìm ra báo Trung Quốc chửi Việt Nam như hát hay, đến phát hiện báo ta “giúp tuyên truyền” về biển đảo hộ người phương Bắc.

Bạn đọc có thích blog không? Chắc chắn là có. Vì báo chí đang tràn ngấp bằng những tin vô bổ như hiếp, giết, hở vòng một hai, lộ nội y, “quần khiêu dâm”,  nữ giáo viên bị tống tiền-tình đến trầm cảm , cái chết tức tưởi của hai mẹ con sản phụ, cho bú sữa và làm “chuyện ấy”, “mây mưa” trong rừng, dân tưởng có án mạng…trong khi những sự kiện quan trọng của đất nước bị bỏ qua một cách “vô tình”.

Trong lúc đó, blog dám đi thẳng vào những vấn đề mà cuộc sống đòi hỏi, bảo vệ biển đảo, dân chủ, công bằng xã hội, và cả những chuyện nhạy cảm như thể chế và hệ tư tưởng, xa hơn là vấn đề toàn cầu hóa hay hội nhập.

Sự hoán vị ngôi thứ của blog và báo chí chính thống đang xảy ra bằng cuộc chiến khốc liệt.

Blogger chuyên nghiệp. Ảnh: internet.

Riêng tại Việt Nam thì phần thắng đang nghiêng về phía Bloggers chúng em trong bối cảnh báo chí một chiều. Cho dù bạn đọc vẫn tin yêu các nhà báo chân chính và có tâm với nghề nghiệp. Nhưng họ cũng thích những blogger đứng đắn, có trang blog đầy trí tuệ, tin tức mang hơi thở của cuộc sống.

Nếu báo chí Việt Nam không thay đổi cho kịp với thời đại, xứng đáng là quyền lực thứ tư, thì sẽ có một nền blogging “đóng thế” bằng quyền lực thứ 5. Con tầu truyền thông của nhân loại chẳng chờ đợi một ai.

Với xu hướng báo chính thống bị lá cải hóa và blog được chuyên nghiệp hóa thì hình ảnh Blogger sẽ là kẻ cầm bút lãng tử, giấc mơ của các chân dài.

Và các anh nhà báo, thần tượng của một thời, sẽ trở thành kẻ lôi thôi, đầu đường xó chợ, bài vở không đáng tin, chỉ trừ viết đúng chính tả.

Khi đó Thị Nở cũng không thèm đánh mắt tới. Và biết đâu, người đẹp thưở nào lại nói “Chàng của em là một Blogger” cho dù thế mạnh vẫn đang ở trong tay các nhà báo.

Viết vui thế thôi, chẳng có người đẹp ngoài đời theo Bloggers đâu, họ vẫn thích các nhà báo hơn. Có chăng, “người đẹp – bạn đọc” dễ nghiêng về thế giới blog vô hình. Cái gì không thật lại làm phái yếu yêu và nhớ.

Lần nữa, Tổng Cua xin chúc các anh các chị nhà báo sức khỏe và nâng cao sức chiến đấu của ngòi bút nhân ngày 21-6. Và nhớ đừng về nhì trong cuộc chiến đầy thách thức giữa Blog và Báo chí.

Hiệu Minh. 21-06-2011.

Filed under: Chính Trị-Xã Hội, , ,

Leave a comment

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát

[a film by André Menras Hồ Cương Quyết] Đây là một phim tài liệu về cuộc đời hàng ngày của anh chị em ngư dân miền Trung (Bình Châu và Lý Sơn).